Đội tuyển bơi Việt Nam lên đường về nước trong ngày hôm qua với hành trang là 10 HCV, 7 HCB, 6 HCĐ và 5 kỷ lục SEA Games.
Bước vào SEA Games 29, bên cạnh Schooling ở nội dung dành cho nam, Nguyễn Thị Ánh Viên vẫn là cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong các nội dung thi đấu trên đường đua xanh. Tuy nhiên Ánh Viên lại xuất phát “chậm” khi ngay ở nội dung đầu tiên 200 m bướm đã thất bại trước kình địch Quah Jing Wen người Singapore.
Tuy nhiên, ngay sau đó “tiểu tiên cá” của Việt Nam liên tục khẳng định vị thế số một khu vực của mình bằng các chiến thắng ở các nội dung sở trường như bơi tự do, bơi hỗn hợp và bơi ngửa. Lúc này Ánh Viên mới thực sự là “Ánh Viên” thường thấy.
Thậm chí ở các cự ly dài như 400 m và 800 m tự do, Ánh Viên đã bơi “ngược dòng” toàn bộ đối thủ cùng dự thi trong bể bơi, kể từ vòng loại tới chung kết. Ánh Viên đã vượt xa những người về sau tới 50 m, khoảng cách đã có lúc lên tới gần 30 giây.
Giành riêng cho mình 8 HCV (trong đó có 3 kỷ lục SEA Games), 2 HCB trong tổng số 12 nội dung dự thi nhưng “tiểu tiên cá” vẫn được cho là đã thi đấu không thành công so với sức mình. Riêng một mình Ánh Viên đã đóng góp tới 15% tổng thành tích của Đoàn TTVN cho tới hôm nay.
“Super star”, đó là cách mà MC tại Cung thể thao dưới nước đã liên tục gọi lớn khi nhắc đến kình ngư Nguyễn Hữu Kim Sơn. Cậu bé tuổi 15 phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 400 m hỗn hợp với thành tích 4’22″12.
Pha ăn mừng cực kỳ phấn khích khi về đích của Kim Sơn, động tác đặt tay lên ngực trái đầy tự tin như khẳng định về một thần đồng mới của bơi lội nam Việt Nam. Sơn còn giành thêm 1 tấm HCĐ nội dung 400 m tự do, phá kỷ lục quốc gia với thành tích 3’54″21.
Nối tiếp chiến thắng của đàn em Kim Sơn, kình ngư 17 tuổi Nguyễn Huy Hoàng cũng đã lập kỳ tích tương tự ở nội dung 1.500 m tự do với kỷ lục SEA Games mới là 15’20″10.
Chiến thắng đầy thuyết phục của Huy Hoàng đã đánh tan mọi nghi ngờ về tài năng của anh trước khi SEA Games khởi tranh. Để đến được tận trận chung kết và giành “vàng 10”, Huy Hoàng đã phải trải qua bao sóng gió của giới chuyên môn và cả dư luận.
Khoảng khắc mừng chiến thắng với ngón tay giơ cao khẳng định vị trí số 1 của bản thân tại nội dung “marathon dưới nước” này.
Khoảnh khắc cất lời hát quốc ca mừng chiến thắng với lá quốc kỳ khoác chung vai với Lâm Quang Nhật khẳng định thêm một lần nữa tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng của bơi lội Việt Nam trong các giải đấu lớn.
Bên cạnh những tấm HCV quý giá, bơi Việt Nam còn có những gương mặt ấn tượng khác đóng góp vào thành tích chung của Đoàn TTVN như Lê Nguyễn Paul, Hoàng Quý Phước, Duy Khôi, Lâm Quang Nhật, Lê Thị Mỹ Thảo…
Chàng hot boy người Mỹ gốc Việt Lê Nguyễn Paul cũng đã đóng góp 4 HCĐ cho bơi lội ở các nội dung 50 m tự do, 50 m bơi ngửa, 50 m bơi bướm và 200 m hỗn hợp.
Trong khi đó, chàng trai vàng Hoàng Quý Phước (trái) cũng chỉ dành được 3 tấm HCB tại đại hội lần này. Trong đó có gồm các nội dung 100 m tự do, 200 m tự do và 4×200 m tự do tiếp sức cùng các đồng đội Nguyễn Huy Hoàng, Trần Tấn Triệu và Phạm Thành Bảo.
Ở nội dung 4×100 m tiếp sức, Hoàng Quý Phước lại cùng Trần Duy Khôi, Ngô Đình Chuyền, Phạm Thành Bảo giành thêm tấm HCĐ với thành tích 3’43″09.
Một kình ngư nữ duy nhất giành huy chương cùng Ánh Viên tại SEA Games lần này là Lê Thị Mỹ Thảo với tấm HCB nội dung 200 m bơi bướm.
"Trên đây là thông tin tham khảo dựa trên những thông tin được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, nhằm cung cấp cho người đọc hoặc người nghe kiến thức về một chủ đề cụ thể. Thông tin này có thể được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, học tập, giải trí hoặc công việc."