Đừng choáng váng đến thế vì bước tiến của U23 Việt Nam, nhà báo Australia ạ!

Scott McIntyre vốn là nhà báo thể thao Australia chẳng mấy lạ lẫm với bóng đá Đông Nam Á và Việt Nam, nhưng có lẽ ngay anh cũng chưa thể “làm quen” với kỳ tích của U23 Việt Nam.

1. Ngay sau trận thắng lẫy lừng của U23 Việt Nam trước U23 Qatar để hiên ngang tiến vào chung kết giải U23 châu Á, trên trang FOX Sports Asian, Scott McIntyre đã có bài viết mang tựa đề “Đừng để Việt Nam trở thành một Hy Lạp tiếp theo”, với những lời chỉ trích khá nặng nề với lối chơi nặng về phòng ngự của thầy trò HLV Park Hang-seo ở giải đấu này.

Theo đó, hàng phòng ngự 5 người mà HLV người Hàn Quốc đang áp đặt cho các cầu thủ trẻ Việt Nam, cùng những đường phản công sử dụng những pha bật tường nhỏ thay vì phát bóng dài lên, sẽ khiến Công Phượng và Quang Hải không thể phát huy hết được những tố chất của mình, cũng như “lãng phí” mất sự cơ động hai cầu thủ chạy cánh tài năng là Văn Thanh và Văn Hậu.

Nếu bài viết này lên trang trước trận tứ kết, nó sẽ là một bài viết khá… có lý và trùng hợp với ý kiến của nhiều chuyên gia bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên thậm chí nếu như thế đi nữa, thì nó cũng sẽ mất giá trị hoàn toàn sau hai màn trình diễn của U23 Việt Nam ở tứ kết và bán kết, bởi sự bất ngờ cực kỳ thú vị mà HLV Park Hang-seo dành tặng cho người hâm mộ bằng việc điều chỉnh lối chơi tài tình trước các đối thủ rất mạnh.

U23 Việt Nam không chỉ biết chơi thứ bóng đá tiêu cực như Scott McIntyre “gắn mác”.

Không thể phủ nhận rằng Văn Thanh, Văn Hậu sẽ thích sơ đồ 4 hậu vệ hơn đội hình mà ông Park Hang-seo đang bố trí, bởi cả hai đều đã quá quen với vai trò chạy cánh thuần túy.

Cũng không thể phủ nhận rằng với những pha phản công kiểu “tí tách” đập nhả đưa bóng lên, nhịp tấn công của U23 Việt Nam sẽ mất đi lợi thế về tốc độ.

Và thêm một điều nữa, không thể phủ nhận rằng tỷ lệ cầm bóng của U23 Việt Nam ở cả 5 trận đấu vừa qua đều khá thấp, lần lượt là 28%, 24%, 41%, 46% và 36%.

2. Về tỷ lệ cầm bóng, trong bóng đá hiện đại con số này không mang nhiều ý nghĩa quyết định, bởi nó còn phụ thuộc rất nhiều vào cách tiếp cận trận đấu và đấu pháp mà HLV áp dụng cho các cầu thủ. Và buồn cười thay, trận đấu duy nhất mà thầy trò HLV Park Hang-seo thắng trong 90 phút lại là trận đấu họ cầm bóng ít nhất – 24%, trước chính U23 Australia của Scott McIntyre.

Nếu chỉ chơi thứ bóng đá phòng ngự tiêu cực, thì những bàn thắng như thế này từ đâu ra?

Tuy nhiên, ở hai trận đấu loại trực tiếp, tỷ lệ cầm bóng của U23 Việt Nam là 46% (trước Iraq) và 36% (trước Qatar) là những tỷ lệ không hề thấp so với tương quan lực lượng của hai đội, và nó cũng tương ứng với sự thay đổi chiến thuật của HLV Park Hang-seo, gây bất ngờ cho chính các đối thủ lẫn những nhà chuyên môn, cũng như người hâm mộ.

Không thể lấy 3 trận vòng bảng để đưa ra cái nhìn phiếm diện về chiến thuật và những gì ông Park Hang-seo đang làm với những cầu thủ U23 Việt Nam, bởi U23 châu Á là một giải đấu dài hơi, trong một khoảng thời gian ngắn. Ở đó, không phải chỉ những đội bóng lớn mới được phép cho mình cái quyền “giấu bài”, để dành cho những trận đấu sau, những đối thủ quyết định.

Thực tế cho thấy bắt đầu bước vào vòng knock-out, HLV Park Hang-seo đã gây bất ngờ cho Iraq với lối chơi mạnh dạn tấn công, thậm chí còn ghi bàn trước, và ở trận bán kết sau đó, lại tiếp tục gây bất ngờ cho U23 Qatar bằng “nhân tố mới” Hồng Duy, khiến thế trận cân bằng hơn, thậm chí sức ép mà U23 Việt Nam tạo ra còn dữ dội hơn.

Sự điều chỉnh chiến thuật tài tình của HLV Park Hang-seo là chìa khóa cho thành công của U23 Việt Nam.

Dù ông Park Hang-seo nói rằng việc Hồng Duy vào sân thay Duy Mạnh là bởi hậu vệ phải của U23 Việt Nam xuống sức, nhưng hẳn không nhiều HLV dám rút một hậu vệ phải, thay vào đó bằng một cầu thủ chạy cánh trái, chuyển từ sơ đồ 5 hậu vệ sang chơi 4-3-3 trong tình huống ấy. Và trong sơ đồ chiến thuật ấy, Hồng Duy đã càn quét cực tốt cánh trái, và chính là người tung đường chuyền cho Quang Hải ghi bàn thắng gỡ hòa.

U23 Việt Nam không hề chơi một thứ bóng đá phòng ngự thuần túy hay tiêu cực như Scott McIntyre “gắn mác”. Họ chơi thứ bóng đá “liệu cơm gắp mắm”, và sẵn sàng đẩy cao, gia tăng sức ép, sẵn sàng đôi công với đối thủ khi cảm nhận được sự sợ hãi của đối phương trước sự tự tin và tinh thần xả thân của bản thân.

Những pha bóng tấn công từ sân nhà bằng những đường đập nhả được ông Park Hang-seo chọn cho học trò không phải bởi U23 Việt Nam không có những chân chuyền dài chuẩn xác. Những pha chuyền dài thông minh đã là thương hiệu của Xuân Trường, và trong trận ra quân đầu tiên, pha chuyền dài ra biên cho Văn Hậu của Bùi Tiến Dũng là điểm xuất phát cho bàn thắng vào lưới U23 Hàn Quốc.

“Con bài tẩy” Hồng Duy (số 7) giúp U23 Việt Nam đặt áp lực lên U23 Qatar vào thời khắc cần thiết.

Ông Park Hang-seo chọn lối chơi ấy là bởi nó góp phần kéo các cầu thủ U23 Qatar sang phần sân Việt Nam để quây bắt, tạo ra khoảng trống phía trên cho Quang Hải và Phan Văn Đức, cùng Công Phượng di chuyển và xử lý bóng.

Lối chơi ấy đòi hỏi các cầu thủ ở tuyến giữa và tuyến dưới Việt Nam ngoài việc đỡ bước một cực tốt, còn phải quan sát và tính trước được đường chuyền ăn ý cho đồng đội, đồng thời phải rất tỉnh táo trước sức ép lớn đến từ đối phương với số đông quây bắt.

Lối đá ấy chắc hẳn sẽ không “làm hỏng lối đá đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam” như cách mà Scott McIntyre buông lời lo ngại, mà nó sẽ giúp bóng đá Việt Nam tiệm cận hơn với lối chơi hiện đại, “biết mình biết người” để đối phó với các đối thủ vượt tầm. Bởi với các đối thủ có lợi thế hơn nhiều về thể lực, thể hình, chọn lối đá đẹp, đá kỹ thuật thuần túy thì chẳng khác nào “đâm đầu vào đá”.

Quang Hải quá tuyệt vời

3. Ngay tiêu đề bài báo, Scott McIntyre đã buông lời cảnh báo “Đừng để Việt Nam trở thành một Hy Lạp tiếp theo”.

Xin lỗi anh, Scott McIntyre, so sánh U23 Việt Nam trong tay HLV Park Hang-seo với Hy Lạp năm 2004 là một sự xúc phạm, dẫu cho Hy Lạp có là nhà vô địch EURO năm ấy, và đẳng cấp tất nhiên vượt xa bóng đá Việt Nam, bởi đơn giản họ không chơi lối đá tiêu cực ấy.

Thậm chí, vẫn là chênh lệch nếu so U23 Việt Nam hôm nay với nhà vô địch EURO 2016 Bồ Đào Nha, dù cho cái kịch bản cầm chân thành công U23 Uzbekistan ở 2 hiệp chính, đưa trận đấu vào hiệp phụ, để rồi một chân sút “mới toanh” như Văn Toàn hay Bùi Tiến Dụng vào sân thay “người hùng” Quang Hải ghi bàn thắng quyết định, như cái cách Eder ghi bàn đưa Bồ Đào Nha lên ngôi – dẫu cho Ronaldo sớm rời sân vì chấn thương, là một kịch bản tuyệt đẹp.

U23 Việt Nam ăn mừng chiến thắng

Nếu được quyền lựa chọn, hãy để U23 Việt Nam giống như những “chiến binh Viking” Đan Mạch ở Euro 1992. Họ cũng là đội bóng được đánh giá là “lót đường” ở VCK năm ấy, cũng thắng 1, hòa 1 và thua 1 ở vòng đấu bảng, để rồi kéo Hà Lan vào tận loạt luân lưu đầy may rủi ở trận bán kết.

Để rồi, “những thùng thuốc nổ” Bắc Âu ấy làm nên kỳ tích “vô tiền khoáng hậu” khi hạ gục Đức – đương kim vô địch World Cup bằng 2 bàn không gỡ ở trận bán kết, ghi dấu ấn vàng son vinh quang nhất trong lịch sử bóng đá Đan Mạch bằng chức vô địch EURO đầy xứng đáng.

Định mệnh của U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á 2018 là “những thùng thuốc nổ”, và sẽ nổ tung niềm vui trong trận chiến cuối cùng, Scott McIntyre ạ!

Bài liên quan