Nhiều “bom xịt” ở Chelsea: Hệ quả của chính sách chuyển nhượng độc đoán

Dưới triều đại Roman Abramovich ở Chelsea, đội chủ sân Stamford Bridge có rất nhiều bản hợp đồng “bom tấn” nhưng cuối cùng lại biến thành “bom xịt”.

Một đống… bom xịt

Kể từ khi Chelsea được tỷ phú người Nga Roman Abramovich tiếp quản năm 2003, The Blues là một trong những đội bạo chi nhất trên TTCN để mang những ngôi sao về sân Stamford Bridge. Nhiều cầu thủ trong số đó thi đấu thành công giúp Chelsea đoạt được 5 danh hiệu Ngoại hạng Anh, 1 chức vô địch Champions League và 1 Europa League.

Thế nhưng, cũng có nhiều cầu thủ khiến Chelsea bỏ ra một đống tiền để chiêu mộ nhưng lại không làm nên trò trống gì ở Stamford Bridge. Điển hình nhất là Andriy Shevchenko. Tiền đạo người Ukraine đã được Chelsea mua về từ AC Milan vào mùa hè 2006 với mức giá 30 triệu bảng.
Shevchenko là bản hợp đồng theo ý của Abramovich và được Giám đốc điều hành Peter Kenyon xúc tiến mang về. HLV của Chelsea khi đó là Jose Mourinho không ưa thích Shevchenko vì đây không phải là thương vụ theo ý của chiến lược gia người Bồ Đào Nha. Mourinho chào mừng Shevchenko đến Chelsea bằng những lời nói xã giao và miễn cưỡng sử dụng tiền đạo người Ukraine trong mùa 2006/07.

Shevchenko là ngôi sao gây thất vọng ở Chelsea

Bản thân Shevchenko cũng không hòa nhập được với bóng đá Anh. Mùa 2006/07, anh chỉ có 4 bàn trong 30 lần ra sân ở Ngoại hạng Anh. Sau khi Mourinho bị sa thải (vào tháng 9/2007), chân sút này cũng không thể hiện được bản năng sát thủ như anh từng có trong màu áo Milan. Trong thời gian ở Chelsea, Shevchenko chỉ có 9 bàn trong 48 trận ra sân ở Ngoại hạng Anh.

Một chân sút khác sa sút thảm hại khi đến Chelsea là Fernando Torres. Vào tháng 1/2011, Torres được Chelsea biến thành cầu thủ đắt giá nhất Ngoại hạng Anh khi rời Liverpool đến Stamford Bridge với giá 50 triệu bảng. Tuy nhiên, Torres chỉ là cái bóng của chính bản thân anh.

Torres mất 903 phút mới ghi được bàn đầu tiên cho Chelsea. Vào mùa hè 2014, chân sút người Tây Ban Nha rời Chelsea tới Milan theo dạng cho mượn. Trong quãng thời gian khoác áo Chelsea, Torres chỉ ghi được 20 bàn trong 110 trận tại Ngoại hạng Anh, một hiệu suất thấp khủng khiếp đối với một tiền đạo được đánh giá rất cao.

Torres là ngôi sao khác thi đấu không được như kỳ vọng

Ngoài Shevchenko và Torres, một loạt những cầu thủ khác bị coi là “bom xịt” ở Chelsea bao gồm Mateja Kezman, Papy Djilobodji, Khalid Boulahrouz, Shaun Wright-Phillips, Baba Rahman, Asier del Horno, Juan Cuadrado, Yossi Benayoun hay Deco…

Mới đây, Tiemoue Bakayoko, người được đem về với giá 40 triệu bảng vào hè 2017 để thay thế Nemanja Matic cũng đang bị coi là bản hợp đồng thất bại của Chelsea. Màn trình diễn tệ hại thời gian gần đây của Bakayoko khiến anh thậm chí bị chính fan Chelsea chửi rủa.

Vậy nguyên nhân vì đâu Chelsea lại xuất hiện nhiều bom xịt đến thế?

Hệ quả của chính sách chuyển nhượng độc đoán

Ở Chelsea dưới thời Abramovich, những vụ chuyển nhượng của CLB đa phần lại không được quyết định bởi HLV. Theo lời thừa nhận của HLV Antonio Conte mỗi khi được hỏi về chuyển nhượng, ông chỉ là người “đề xuất”. BLĐ của Chelsea sẽ xem xét và nếu được sự đồng ý của chủ tịch Abramovich, chuyện đàm phán sẽ được xúc tiến.

Cụ thể, kể từ năm 2010 đến nay, người có tiếng nói quyết định đến việc mua ai ở Chelsea là “Bà đầm thép” Marina Granovskaia. Bà nhận trách nhiệm làm phát ngôn viên và là người đại diện cho ông chủ Roman Abramovich trong các vấn đề của Chelsea, đồng thời hỗ trợ ban giám đốc về mọi vấn đề liên quan.

Granovskaia chịu trách nhiệm về mua cầu thủ, các hoạt động ở học viện đào tạo và cả hệ thống tuyển trạch viên. Theo quy trình, HLV là người lên kế hoạch mua cầu thủ nhưng việc đó cũng được làm trong sự đồng ý của “đạo diễn” Granovskaia. HLV thảo ra danh sách cần mua lên Granovskaia và rồi bà lại trình bày với ông chủ Abramovich. Nếu Abramovich đồng ý, Granovskaia sẽ đàm phán.

Granovskaia là người phụ nữ quyền lực ở Stamford Bridge

Theo quy trình đó, HLV của Chelsea nhiều khi không có được cầu thủ họ muốn, trong khi lại phải sử dụng cầu thủ mà Abramovich “thích”. HLV bị can thiệp rất nhiều vào chuyên môn và điều đó khiến họ bị ức chế, cũng như không “phóng tay” thực hiện được các kế hoạch họ muốn làm tại Chelsea.

Nó dẫn đến hệ quả là không HLV nào tồn tại được lâu tại Chelsea dưới thời Abramovich. Lâu nhất là Mourinho từ năm 2004-2007. Tổng cộng đã có 9 HLV bị sa thải bởi tỷ phú người Nga. Conte cũng đang ngấp nghé với việc bị cho ra đường dù mới giúp Chelsea vô địch Ngoại hạng Anh 2016/17. Ngoài ra, như đã liệt kê ở trên, rất nhiều “bom xịt” xuất hiện tại Stamford Bridge vì họ không được mang về để phục vụ ý đồ chiến thuật của HLV.

Dù vậy, cái gì cũng có 2 mặt. Chính sách chuyển nhượng không chịu ảnh hưởng lớn của HLV này giúp Chelsea giữ được ổn định khi thay thế HLV liên tục và vẫn đoạt được các danh hiệu lớn. Và với túi tiền và tính cách của Abramovich, “bom xịt” cũng chả sao, miễn là ông cảm thấy vui là được.

Bài liên quan