Giggs, anh đang có bản siêu kế hoạch nhằm đưa VN đến sân chơi World Cup. Đây cũng là ước muốn ngàn đời của chúng tôi. Nhưng hãy còn quá sớm để nói về bức tranh màu hồng kỳ vĩ đó.
Ngay bây giờ hãy cùng tôi liệt kê những thách thức rất lớn mà anh và cộng sự sẽ phải đối mặt khi trải nghiệm trong môi trường bóng đá tại Việt Nam.
Đầu tiên, xin tiết lộ với anh, Việt Nam là quốc gia có số lượng bình luận viên và huấn luyện viên làm việc trên môi trường internet đông nhất thế giới. Con số này tròm trèm vài chục triệu người.
Ước tính mỗi khi đội tuyển Việt Nam tập trung để huấn luyện, đá tập, đá giao hữu rồi vào giải, những bình luận viên, huấn luyện viên này sẽ cùng nhau đưa ra phương án từ nhân sự, chiến thuật cho tới cách dùng người của từng trận đấu.
Anh đừng tưởng họ chỉ chém gió cho vui, ở Việt Nam có câu: Góp gió thành bão, khi bão bình luận, ném đá, công kích… nổi lên trên mạng, báo chí sẽ vào cuộc với một tần suất kinh hoàng. Khi đó những người có trách nhiệm hoặc liên quan đến đội tuyển Quốc gia sẽ lo cuống cả lên để làm đẹp lòng dư luận.
Đã có rất nhiều huấn luyện viên phải ngậm đắng nuốt cay về vấn đề này. Giggs, tôi mong anh sẽ vững tâm để trụ vững cũng như bảo vệ học trò của mình trước áp lực dư luận khi họ thi đấu chưa thành công.
Chúng tôi đã từng có một Văn Quyến siêu hạng, một Quốc Vượng xuất thần, một Huỳnh Quốc Anh hay Châu Lê Phước Vĩnh… cực kỳ tài năng. Đây chính là những cá nhân xuất sắc có thể đưa bóng đá Việt Nam tiệm cận trình độ Châu Á. Nhưng chính họ đã phá hỏng sự nghiệp của mình.
Một phần nguyên nhân cũng bởi truyền thông, bởi mạng xã hội đã quá nuông chiều và luôn đòi hỏi huấn luyện viên phải đưa họ vào danh sách thi đấu, dù những cầu thủ này tập tành chểnh mảng hay phong độ đi xuống.
Những đứa trẻ giỏi giang dần dần hư hỏng rồi dính vào chơi. Họ bán cả danh dự đội tuyển để đổi lấy một ít tiền. Đó là bài học rất đau xót, là nỗi ô nhục cho bóng đá Việt Nam.
Tiếp theo, tôi muốn anh tìm cách bảo vệ đôi chân cho các học trò của mình khi thi đấu, dù là giao hữu tại Việt Nam. Vấn nạn bạo lực trong bóng đá tại đây luôn là nỗi khiếp đảm với rất nhiều cầu thủ nước ngoài. Các cầu thủ Việt Nam dù là nhỏ con, trình độ có hạn nhưng “nghệ thuật” đốn giò đối thủ thì luôn ở mức thượng thừa.
Anh hãy xem Quế Ngọc Hải (Sông Lam Nghệ An) hạ đo ván cầu thủ Anh Khoa (Đà Nẵng), Huy Hoàng (Sông Lam Nghệ An) song phi cả hai chân định tiễn Samson (Hà Nội) giải nghệ.
Không chỉ tìm cách xử nhau trong sân, ở ngoài sân cỏ thì thành viên ban huấn luyện cũng có thể đuổi đánh cầu thủ chạy có cờ. Thủ thành Đặng Văn Lâm của Hải Phòng là một nạn nhân như vậy. Và không chỉ bạo lực tại Việt Nam, ở vùng trũng bóng đá Đông Nam Á, vấn nạn này cũng rất nhức nhối.
Sẽ rất khó để tách những đứa trẻ được anh đào tạo ra khỏi môi trường bóng đá có quá nhiều bạo lực này. Cách duy nhất là anh sẽ phải dạy cho học trò của mình cách tránh đòn hiệu quả nhất. Hy vọng với kinh nghiệm và năng lực tuyệt vời của mình, anh sẽ thành công.
Trên đây chỉ là hai vấn đề dễ nhận thấy nhất của bóng đá Việt Nam, nhưng trong nhiều năm qua chưa một huấn luyện viên hay chuyên gia bóng đá nào có thể khắc phục được.
Chúng tôi chờ đợi vào anh và Paul Scholes. Nói như huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn, hai anh sẽ tạo ra niềm cảm hứng, đam mê chơi bóng một cách tử tế nhất, khoa học nhất để từng bước đưa bóng đá Việt Nam thoát khỏi vùng trũng Đông Nam Á. Chúng tôi chán cảnh năm nào cũng thua ê chề và đau đớn ở những trận đấu được kỳ vọng rất nhiều.