Real 11-1 Barca, một trận El Clasico với kết quả không tưởng nhưng đã thành hiện thực, dưới sự can thiệp của nhà độc tài Franco.
Ngày 19/6/1943, chiếc xe chở CLB Barca đỗ trước cửa sân Estadio Chamartin của gã kình địch Real Madrid. Một cuộc hành trình khó khăn với các thành viên và khổ sở với cái xe thùng. Kính vỡ, từng mảng sơn bị tróc sau vụ tấn công bằng đồng xu. Nhưng đó chỉ là sự bắt đầu cho cơn ác mộng sẽ đến ngay sau đó.
Khơi mào
Đây không phải một trận đấu giữa gã khổng lồ và một kẻ tí hon. Cũng không phải một trận giao hữu vô nghĩa. Đó là trận lượt về bán kết Copa del Generalísimo (tiền thân của Copa Del Rey sau này). 8-0 sau 45 phút đầu tiên và 11-1 khi trận đấu kết thúc. Một kết quả thật khó tin.
Đặc biệt trong bối cảnh chỉ ít ngày trước đó, trên sân nhà, Barca đã vùi dập chính kền kền trắng với 3 bàn không gỡ.
Trong giai đoạn bóng đá tại Tây Ban Nha bị ảnh hưởng sâu sắc bởi chính trị, bảng tỷ số kia có sự nhúng tay của Thống chế Franco.
Cùng sự tức giận khi làn sóng đòi ly khai Catalonia khỏi Tây Ban Nha bị đàn áp dữ dội bởi độc tài Franco, sân bóng là nơi duy nhất để những lời phản ứng không bị trừng phạt một cách tàn ác.
Và đó là cách người dân của xứ sở giàu có đã làm trong trận lượt đi tại Camp de Les Corts (sân nhà của Barca thời điểm ấy). Với 90 phút đầy rẫy những lời miệt thị và đe dọa, Barca đè bẹp tâm lý đối thủ trước khi thắng dễ với tỷ số 3-0.
Tuy nhiên, ngày trận lượt về diễn ra. Sự trả thù mới được bắt đầu.
Vào ngày hôm đó, SVĐ gần như nổ tung với những âm thanh khó chịu nhất có thể. Vài ngày trước khi trận đấu diễn ra, Ernesto Teus – nhà báo nổi tiếng của tờ Marca cũng đồng thời là một Madridista trứ danh đã tài tình viết một bài báo sắc chê trách sự thiếu mạnh mẽ của đội bóng Hoàng gia ở trận lượt đi.
Chiêu trò này đạt được hiệu quả tức thì, đưa cơn tức giận trong lòng Madrid tới cực điểm và nỗi đau phải chịu ở Les Corts vài ngày trước đó phải được thanh toán sòng phẳng.
Sự trả thù
11 cầu thủ Barca bước ra sân và được chào đón theo một cách thức đặc biệt, được mô tả như cách người Roman xưa đối xử với những nô lệ, chất chứa hằn học và khinh bỉ. Tiếng la ó đồng thanh của hơn 20.000 con người làm bầu không khí trở nên ngột ngạt và vô cùng khó chịu.
Có một câu chuyện kể lại trước khi trận đấu bắt đầu, Giám đốc an ninh quốc gia đã bước vội vào phòng thay đồ của Barca và giảng một bài diễn thuyết ngắn về công ơn của Thống chế Franco, người đã cho “các cậu quyền được sống tại Tây Ban Nha” (và tất nhiên cũng có thể ngay lập tức tước đi cái quyền đó).
Hẳn nhiên, tại bài nói chuyện ấy, không một lời lẽ đe dọa. Nhưng cũng tương tự như câu nói nổi tiếng của Vito Corleone trong tác phẩm “Bố già” kinh điển – sự đe dọa khủng khiếp nhất không cần thiết phải nói ra.
Tất cả cầu thủ của Barca hiểu rõ, bất kỳ một sự chống đối nào với Franco, người từng tuyên bố thống trị Tây Ban Nha bằng lưỡi lê và máu, sẽ phải nhận một hậu quả vô cùng khủng khiếp.
Thi đấu với đôi chân nặng trĩu và cái đầu hoang mang, vì thế, gần như không có bất kỳ sự phản kháng nào đến từ đội bóng xứ Catalan. 1-0, 2-0 rồi đến 8-0, những Puden, Sabino Barinaga, Antonio Alsúa Alonso, Curta, Botella lần lượt sút tung lưới thủ thành tội nghiệp Luis Miro, người liên tục phải di chuyển quanh vòng cấm để tránh những vật thể được ném từ đám đông.
Một chiếc thẻ đỏ được rút ra dành cho Benito Garcia cho một pha vào trúng bóng. Đó là sự trừng phạt cho cầu thủ Barca còn hành động quá khích của những CĐV Real thì không một lời nhắc nhở. Buổi chiều hôm ấy, trận đấu diễn ra hoàn toàn một chiều bởi Real đá bóng, còn Barca thì không.
Cầu thủ thuộc biên chế Barca khi ấy, Josep Valle sau này thừa nhận các cầu thủ đã bị dọa bỏ tù nếu chiến thắng và HLV của họ cũng nghĩ rằng cần thua để “sống sót” qua được 90 phút.
Thêm ba bàn thắng nữa cho đội chủ nhà trước khi có một bàn gỡ của Barca tại hiệp 2. Trận đấu kết thúc với tỷ số 11-1, cách biệt chênh lệch nhất từng xuất hiện trong một trận El Clasico.
Màn so tài kinh hoàng tại Estadio Chamartin sau đó dẫn đến thêm những câu chuyện đặc biệt khác.
Juan Antonio Samaranch, cây viết thẳng thắn hiếm hoi của thời kỳ ấy bị cấm viết báo trong 10 năm vì dám vạch trần sự bất công đã diễn ra. Trong một bài báo phát hành năm 1943, Samaranch đưa ra lời nhận xét nổi tiếng: “Đơn giản Barca không thi đấu. Vì thế, đừng cố gắng tìm kẻ đã gây ra thảm kịch này, bởi hắn đâu có ở trên sân”.
Trong một diễn biến khác, Enrique Pineyro Queralt, kẻ được Franco dựng lên làm chủ tịch Barca, đã buộc phải từ chức sau khi không chịu nổi sức ép từ sự giận dữ của các CĐV xứ Catalan.
Thảm kịch vào buổi chiều 19/6/1943 là một trong những trận cầu tai tiếng nhất trong lịch sử. Đó không phải bóng đá và nhắc nhở tất cả rằng túc cầu không thể bị chi phối bởi bàn tay của chính trị.
Đến nay, kẻ độc tài Franco đã biến mất và mỗi trận El Clasico cũng không còn sự thiên vị trắng trợn, tuy nhiên, mối hận thù truyền kiếp thì vẫn sừng sững đó. Bất chấp màn so tài vào ngày 23/12 đã là trận Siêu kinh điển thứ 237 trong lịch sử.